Kế hoạch hành động trên bao gồm nhiều biện pháp, từ loại bỏ rào cản đối với đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất, tài chính, cho tới cấp thị thực làm việc dài hạn cho người nước ngoài và gia đình họ.

Giải thích cho tính cấp thiết của kế hoạch hành động mới, ông Wu Hao, quan chức thuộc Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC), nhận định những năm gần đây, tình hình kinh tế toàn cầu ngày càng phức tạp hơn và dòng đầu tư xuyên biên giới có xu hướng biến động mạnh.

Dữ liệu từ Cơ quan Quản lý ngoại hối Trung Quốc cho thấy tổng FDI đăng ký vào Trung Quốc năm 2023 chỉ đạt 33 tỷ USD, giảm khoảng 80% so với năm trước đó.

Theo kế hoạch hành động mới, thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông và một số tỉnh thành khác sẽ được phép triển khai thử nghiệm các khu thương mại tự do cho những công ty nước ngoài đủ điều kiện nhằm đẩy mạnh mở rộng vào các lĩnh vực như chẩn đoán di truyền, công nghệ y tế...

Bên cạnh đó, các tổ chức tài chính có vốn nước ngoài được hỗ trợ tham gia thị trường bảo hiểm phát hành trái phiếu nội địa. Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào trái phiếu và các sản phẩm tài chính khác ở Trung Quốc sẽ được hưởng chính sách ưu đãi thuế.

Tại họp báo, các quan chức Trung Quốc cho biết nhà chức trách sẽ tổ chức nhiều hoạt động quảng bá tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Trung Đông, xây dựng thương hiệu “Đầu tư vào Trung Quốc”. 

Các quan chức cũng thúc giục các bộ ngành và chính quyền địa phương “đẩy nhanh” nỗ lực thu hút vốn đầu nước ngoài, đồng thời cho biết kế hoạch hành động mới sẽ bổ sung cho chương trình hỗ trợ chính sách gồm 24 biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được công bố năm ngoái. Chương trình năm ngoái gồm loạt biện pháp thúc đẩy đầu tư tư nhân và khuyến khích tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các quan chức cho biết, để tăng cường ổn định tài chính, thời gian qua các bộ, ngành Trung Quốc đã tích cực đẩy mạnh tiếp xúc với các cơ quan đồng cấp ở Mỹ và châu Âu. Đến nay, nhóm công tác về lĩnh vực tài chính giữa Trung Quốc và Mỹ đã tổ chức 3 cuộc họp. Một cuộc họp tương tự như vậy với các cơ quan tài chính của Liên minh châu Âu (EU) vừa diễn ra vào ngày 19/3 – theo thông tin từ ông Zhou Yu, một quan chức tại Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC).

“Những cuộc họp như thế này giúp tăng cường kết nối giữa các bộ ngành quản lý kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ và ổn định tài chính, để chúng tôi hiểu rõ hơn chính sách của nhau”, ông Zhou cho biết.

Cũng tại họp báo, ông Jia Tongbin, một quan chức tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, cho biết theo chương trình hành động mới, người nước ngoài làm việc cho các công ty “nổi tiếng” hoặc tham gia nghiên cứu khoa học sẽ có thể đăng kí thị thực 5 năm, thay vì phải xin gia hạn thị thực hàng năm như hiện nay. Để được áp dụng chương trình này, trước đó họ phải sống ở Trung Quốc trong 2 năm liên tiếp.

Ngoài ra, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh sẽ cân nhắc cấp thị thực cư trú vĩnh viễn cho những người đủ điều kiện. Riêng người đi công tác với các lý do chính đáng tới Trung Quốc có thể xin thị thực 5 năm, thay vì một năm như hiện nay.

Tuy nhiên, theo tờ báo Nikkei Asia, bất chấp những nỗ lực nói trên của nhà chức trách Trung Quốc, lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp nước ngoài vẫn cảm thấy hoang mang trước những thông điệp trái chiều của Bắc Kinh. Một mặt Chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh tự do hơn, nhưng một mặt vẫn siết chặt luật an ninh quốc gia. Họ cho rằng rủi ro khi làm ăn kinh doanh ở Trung Quốc đang ngày càng lớn.

Trong một báo cáo công bố vào ngày 20/2, Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc nhận xét “số lượng, tính phức tạp và tính nghiêm trọng" của những rủi ro mà các công ty châu Âu đối mặt ở Trung Quốc đều tăng lên đáng kể trong vài năm gần đây”

“Chính trị đã từ từ ngấm vào môi trường kinh doanh ở Trung Quốc. Đây là xu hướng hình thành kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 2008-2009)”, báo cáo viết.

Đức Anh

Source: Tạp chí Kinh tế Việt Nam

Original link