Dự án Khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Thạnh giai đoạn 1 (KCN VSIP Cần Thơ) được thực hiện bởi ba nhà đầu tư, gồm Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – CTCP (Becamex IDG Corp), Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP Group) và Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP JSC).

Báo cáo về tiến độ triển khai dự án, Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP. Cần Thơ cho biết hiện đã tổ chức kiểm kê, lập hồ sơ bồi thường cho 535/538 hồ sơ với diện tích tương đương 284,9/293,7 ha, đạt 97,03%; trong đó có 168 trường hợp có nhà ở.

Về mặt bằng, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Cần Thơ cho biết đến nay cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và đã bàn giao tạm cho chủ đầu tư VSIP thực hiện công tác chuẩn bị lễ động thổ dự án. Cùng với đó là hai dự án đường dẫn vào KCN là đường nối với quốc lộ 80 dài 572 m và đường nối từ đường dẫn này tới cầu Vàm Cống. Dự án có quy mô mặt cắt ngang 80 m, chiều dài toàn tuyến khoảng 1.272 m, tổng diện tích khoảng 9,7 ha.

Về công tác tái định cư, dự án khu tái định cư phục vụ KCN VSIP Cần Thơ có tổng diện tích 26,15 ha, đến nay đã kiểm kê lập hồ sơ bồi thường đạt 100%. Dự kiến trình và phê duyệt dự án trong tháng 6/2023; lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong tháng 7/2023.

Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Vĩnh Thạnh giai đoạn 1 (KCN VSIP Cần Thơ) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 17/10/2022. Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP. Cần Thơ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào tháng 10/2022. Đây là dự án khu phức hợp công nghiệp, đô thị, dịch vụ hậu cần với tiêu chí sạch, xanh, bền vững.

Dự án được thực hiện tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ, với diện tích giai đoạn 1 là 293,7 ha, tổng vốn đầu tư 3.718 tỷ đồng, tương đương 160 triệu USD.

Ngày 24/4/2023, Uỷ ban nhân dân TP. Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 1015/QĐ-UBND phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 KCN Vĩnh Thạnh giai đoạn 1. Sau đó, Uỷ ban nhân dân huyện Vĩnh Thạnh đã phối hợp cùng Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP. Cần Thơ, các nhà đầu tư dự án cùng các ban ngành, đoàn thể xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh công bố công khai thông tin quy hoạch đến người dân theo quy định nhằm tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai dự án.

Sơ đồ thiết kế tổng thể KCN VSIP Vĩnh Thạnh - Cần Thơ. Nguồn: BQL các Khu chế xuất và công nghiệp TP. Cần Thơ.

Sơ đồ thiết kế tổng thể KCN VSIP Vĩnh Thạnh - Cần Thơ. Nguồn: BQL các Khu chế xuất và công nghiệp TP. Cần Thơ.

Dự án KCN VSIP Vĩnh Thạnh, Cần Thơ là dự án tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế xã hội TP. Cần Thơ, vùng tứ giác Long Xuyên, thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, tạo ra cú huých quan trọng góp phần thay đổi, phát triển TP. Cần Thơ, trung tâm đồng bằng sông Cửu Long.

Mới đây, tại buổi làm việc với Huyện ủy Vĩnh Thạnh và Công ty cổ phần VSIP Cần Thơ, tân Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án. Ông nhấn mạnh: Đây là trách nhiệm của Thành phố. Vì vậy, những công việc thuộc trách nhiệm của các sở ngành, địa phương thì phải triển khai thực hiện để đẩy nhanh tiến độ.

Về tái định cư, ông Hiếu yêu cầu chủ đầu tư phải làm sao xây dựng khu tái định cư chất lượng, hiện đại, kiểu mẫu, tương đương các khu thương mại để người dân có thể thụ hưởng các tiện ích.

Liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP Group) là liên doanh giữa Tập đoàn Sembcorp (Singapore) và Tổng công ty Becamex IDC (Bình Dương, Việt Nam). KCN mang thương hiệu VSIP đầu tiên được thành lập ở Bình Dương vào năm 1996. Đến nay, VSIP trở thành thương hiệu phát triển hàng đầu khu công nghiệp ở Việt Nam với 11 dự án tại nhiều tỉnh thành như Bình Dương, Nghệ An, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ngãi,...

KCN VSIP Vĩnh Thạnh, Cần Thơ là KCN đầu tiên ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long được phát triển và vận hành bởi VSIP Group, tập đoàn phát triển khu công nghiệp lớn nhất ở Việt Nam hiện nay.

Xuân Nghi

Source: Tạp chí Kinh tế Việt Nam

Original link