Malaysia dự báo làn sóng vốn đầu tư từ Trung Quốc
Bộ trưởng Malaysia nói rằng động thái của các công ty Trung Quốc - dự kiến sẽ mang lại hàng tỷ USD đầu tư vào Malaysia trong những năm tới - sẽ dẫn tới cạnh tranh với các công ty Mỹ vốn đang thống trị thị trường Malaysia...
Các nhà sản xuất chip và công ty công nghệ của Trung Quốc đang đổ tới Malaysia - Bộ trưởng Bộ Kinh tế nước này Rafizi Ramli cho biết, trong bối cảnh Bắc Kinh chuẩn bị đương đầu với thuế quan gia tăng sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng trong tháng 1 này.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ báo Financial Times, ông Rafazi nói động thái của các công ty Trung Quốc - dự kiến sẽ mang lại hàng tỷ USD đầu tư vào Malaysia trong những năm tới - sẽ dẫn tới cạnh tranh với các công ty Mỹ vốn đang thống trị thị trường Malaysia. “Doanh nghiệp Trung Quốc rất muốn vươn ra bên ngoài và mở rộng khỏi thị trường nội địa của họ. Những công ty như thế hiện đang xem xét chuyển địa điểm hoặc mở rộng sang Malaysia”, ông nói.
Ông Trump đã đe dọa sẽ áp thuế 60% đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ có nguồn gốc từ Trung Quốc sau khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 20/1. Lời cảnh báo này khiến giới đầu tư lo lắng và các công ty phải cảnh giác tái cơ cấu chuỗi cung ứng của họ.
Trong 1 thập kỷ qua, Malaysia là một quốc gia hưởng lợi lớn nhờ chiến lược “Trung Quốc +1”, trong đó các công ty đa quốc gia bổ sung cho hoạt động sản xuất kinh doanh tại thị trường Trung Quốc bằng cách đầu tư vào các quốc gia khác trong khu vực, nhằm mục đích phân tán rủi ro và giảm chi phí.
Malaysia cũng đã tự định vị là một địa chỉ quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), nhờ sở hữu hoạt động sản xuất chất bán dẫn đã có từ lâu ở vùng Penang thuộc phía Bắc và một vùng trung tâm dữ liệu đang trong giai đoạn phát triển thuộc bang Johor ở phía Nam.
Các công ty Mỹ đã thống trị các lĩnh vực này ở Malaysia, nhưng Bộ trưởng Rafizi cho biết ông mong đợi một làn sóng đầu tư của Trung Quốc nhờ vào các sáng kiến mà Chính phủ Malaysia đưa ra để phát triển các ngành này hơn nữa.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã hạn chế việc bán chip tiên tiến của các công ty Mỹ cho Trung Quốc. Điều này đặt ra mối đe dọa tiềm tàng đối với khoản đầu tư của Mỹ ở Malaysia, nơi sản xuất nhiều sản phẩm chip Mỹ, đồng thời mở ra cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh đến từ Trung Quốc.
Ông Rafizi cho biết vào tháng 6/2024 ông đã có chuyến thăm 10 ngày tới Trung Quốc. Trong chuyến đi này, ông gặp gỡ 100 công ty AI, công nghệ và y sinh Trung Quốc để đánh giá mức độ quan tâm của họ về đầu tư vào Malaysia. Ông nói thêm rằng những nỗ lực này đã mang lại kết quả là có hai phái đoàn đầu tư từ Trung Quốc tới Malaysia trong những tháng gần đây.
“Các khoản đầu tư của Trung Quốc thường đi kèm với hệ sinh thái của riêng họ. Chúng tôi sẽ thấy ngày càng nhiều hơn các nhà đầu tư Trung Quốc đến đây, đặc biệt nếu chúng tôi có thể thu hút được hai hoặc ba nhà đầu tư giữ vai trò mỏ neo đầu tiên từ Trung Quốc”, ông nói.
Vị Bộ trưởng cho biết thêm nhiều công ty cũng đang tìm cách mở rộng hiện diện tại Malaysia khi đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại và quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ đối mặt rủi ro leo thang căng thẳng.
Tuần vừa rồi, Malaysia đã ký một thỏa thuận với Singapore để thành lập một đặc khu kinh tế (SEZ) rộng lớn giữa hai nước. Malaysia hy vọng đến năm 2030, sáng kiến này sẽ bổ sung thêm 26 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế quốc gia, mang lại 20.000 việc làm chất lượng cao và 50 dự án đầu tư mới.
Từ năm 2019 đến năm 2023, Malaysia đã thu hút 21 tỷ USD đầu tư vào ngành bán dẫn và 10 tỷ USD vào lĩnh vực trung tâm dữ liệu - các cơ sở lưu trữ phục vụ các công nghệ phát triển nhanh như AI, điện toán đám mây và khai thác tiền điện tử. Chỉ riêng trong năm qua, các công ty công nghệ Mỹ Amazon, Nvidia, Google và Microsoft đã cam kết đầu tư gần 16 tỷ USD vào Malaysia, chủ yếu vào cho các trung tâm dữ liệu ở Johor.
ByteDance - công ty sở hữu mạng TikTok - là công ty Trung Quốc lớn nhất đầu tư vào Johor tính đến hiện tại, với cam kết 2 tỷ USD vào năm ngoái.
Ông Rafizi nói rằng trong lịch sử, Malaysia luôn vui vẻ đón nhận bất kỳ khoản đầu tư nước ngoài nào, nhưng nước này đang trở nên chọn lọc hơn khi tìm cách đóng góp nhiều giá trị hơn vào các sản phẩm và dịch vụ được sản xuất ra. Ông nói thêm rằng mặc dù căng thẳng Mỹ-Trung leo thang sẽ gây tổn hại cho thương mại toàn cầu, nhưng điều đó có thể thúc đẩy các công ty Trung Quốc trao cho Malaysia vai trò lớn hơn trong việc thiết kế chip, thay vì chỉ sản xuất, và việc này sẽ tạo ra nhiều thu nhập cao hơn cho Malaysia trong quá trình nước này đi lên trong chuỗi giá trị.
“Về cơ bản, hậu quả khó lường của một số biện pháp thuế quan nhắm vào các công ty Trung Quốc sẽ giúp các nước như Malaysia có được những khoản đầu tư thực sự và dài hạn hơn từ Trung Quốc, thay vì những dự án chỉ muốn sử dụng Malaysia làm tiền đồn sản xuất”, ông Rafazi phát biểu.
An Huy
Source: Tạp chí Kinh tế Việt Nam
Original link