CEO IPA VIETNAM phát biểu tại Diễn đàn Triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế
Diễn đàn nằm trong chuỗi sự kiện “Xây tổ đón đại bàng” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Việt Nam hiện có 260 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động và 75 KCN đang trong quá trình xây dựng. Hệ thống KCN của Việt Nam đang là điểm đến của hàng ngàn doanh nghiệp từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam có vị trí địa chiến lược trong phát triển bất động sản công nghiệp, nền chính trị ổn định, nguồn lao động dồi dào, kinh tế tăng trưởng tốt.
Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững các KCN, nằm trong chuỗi sự kiện “Xây tổ đón đại bàng”, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn: TRIỂN KHAI NGHỊ ĐỊNH 35/2022/NĐ-CP VỀ QUẢN LÝ KCN, KKT &TRAO CHỨNG NHẬN BÌNH CHỌN KHU CÔNG NGHIỆP TIÊU BIỂU 2022.
Tại sự kiện, Ông Nguyễn Đình Nam – CEO IPA Việt Nam, cho biết có mấy điểm liên quan đến xu hướng đầu tư đã nói đến ở Nghị định 35.
Thời gian làm thủ tục rút ngắn đi, ảnh hưởng đến 2 việc trong xu hướng đầu tư. Đó là, thời gian đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như ra quỹ đất bàn giao cho nhà đầu tư sẽ ngắn hơn, tiết kiệm được thời gian và sản phẩm đầu ra sẽ ngắn hơn. Liên quan đến chi phí, rút ngắn thời gian bao giờ cũng giảm được chi phí, chi phí đầu tư và chi phí lãi vay, sẽ ảnh hưởng đến giá, giá thuê sẽ giảm đi so với việc thủ tục kéo dài. Các tiện ích trong khu công nghiệp cũng được nâng lên khá nhiều trong việc cho phép đầu tư các cơ sở hạ tầng,tiện ích cho công nhân, như: nhà ở, dịch vụ trong khu công nghiệp… quy định được nhiều và rõ ràng hơn sẽ tạo thuận lợi cho các đơn vị hạ tầng trong xu hướng đầu tư và thu hút đầu tư các KCN.
Về xúc tiến đầu tư chung, khuôn khổ pháp lý, có 2 điểm: về quốc gia đã có cơ sở pháp lý phục vụ công tác xúc tiến đầu tư đó là quy chế xúc tiến đầu tư của Bộ KHĐT đã ban hành, luật đầu tư cũng có hẳn 1 điều quy định riêng về công tác xúc tiến đầu tư, đã có cả 1 danh mục kêu gọi xúc tiến đầu tư.
Đa phần các dự án cả trong nước và nước ngoài đều thu hút vào KCN, KKT là nhiều. Tại sao Nghị định 35 không bao hàm câu chuyện quy định liên quan đến xúc tiến đầu tư vào KCN như thế nào để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, để có định hướng ban đầu, hình thành KCN của mình theo đúng tiêu chí để thu hút tốt hơn.
Có một vài điểm liên quan đến đầu tư hạ tầng (phần cứng của thu hút đầu tư), ở đây là sân bay, cảng biển, cao tốc… hay các điều kiện và logistics, nguồn nhân lực… các điều kiện hỗ trợ trong xúc tiến đầu tư, trong Nghị định đã quy định nhưng chưa chia tiết.
Ví dụ, quy hoạch 1 KCN hoặc xây dựng mới 1 KCN phải đáp ứng những điều kiện gì, hạ tầng, giao thông,… thì mới đưa ra câu chuyện hình thành KCN đấy. Chứ giờ cứ xin, xin xong rồi nhưng không kết nối được, 5 năm, 7 năm mới bắt đầu kết nối được hạ tầng, kết nối được đầu tư, như vậy là muộn, nhà đầu tư sẽ thất bại trong câu chuyện bán hàng. Đầu tư thì tốt nhưng bán hàng không tốt chắc chắn sẽ giảm lợi nhuận của nhà đầu tư.
Trong Nghị định có nói đến dữ liệu các KCN, KKT (có hẳn 1 chương riêng, chương V) nhưng câu chuyện của chúng ta là hệ thống dữ liệu đó đang nằm ở đâu, hệ thống quản lý nhà nước cũng chưa có. Tất cả những thông tin KCN, KKT chưa đầy đủ, có thể là giai đoạn sơ khai, đang xin chủ trương, đang làm thủ tục pháp lý chưng có thông tin, nhưng đó là câu chuyện quản lý Nhà nước, còn xúc tiến đầu tư thì không cần phải che dấu, cần minh bạch. Tất cả những KCN sẵn sàng để xúc tiến đầu tư, có thể bàn giao đất đều đẩy lên cơ sở xúc tiến đầu tư được, khi đó nhà đầu tư quốc tế họ vào cơ sở dữ liệu quốc gia, họ mới tìm kiếm được vị trí phù hợp. Sẽ có 2 phần, quản lý Nhà nước có thể ẩn đi để phục vụ công tác quản lý, phần của xúc tiến đầu tư phải nổi lên. Tất cả các KCN, CCN phải nổi lên trên hệ thống đó, hiện nay tôi chưa thấy điều đó.
Về hạ tầng mềm xúc tiến đầu tư, cái quan trọng cốt lõi của các KCN là đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư và nhân viên xúc tiến đầu tư. Nghị định này cũng lên đưa vào quy định hỗ trợ của Chính phủ, đào tạo. Hiện tại, các KCN đều hình thành đã lâu nên đều đào tạo tự phát, làm dần thành quen. Hiện tại, ở quốc gia và địa phương đều có các chương trình tập huấn đào tạo kỹ năng xúc tiến đầu tư nhưng chỉ cho các đơn vị quản lý nhà nước, ở đây là các Sở KHĐT, các BQL các KCN các tỉnh. Vì vậy, Nghị định này nên đưa vào câu chuyện các đơn vị phát triển KCN tư nhân có hỗ trợ nào từ Chính phủ trong đào tạo tập huấn xúc tiến đầu tư.
Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp cảm ơn các diễn giả với những trao đổi, những cách tiếp cận cho hoạt động thu hút các nhà đầu tư nhìn từ Nghị định 35.
VCCI
Source: Diễn đàn doanh nghiệp
Original link